Hiếm có một dòng game nào để lại nhiều dấu ấn trong lòng game thủ như "tượng đài" Call of Duty. Xuất hiện từ chỗ "không tên tuổi" năm 2003, sản phẩm của Infinity Ward đã nhanh chóng trở thành hình mẫu không thể thay thế cho mọi tựa game lấy đề tài chiến tranh thế giới thứ 2. Để lại phía sau đối thủ nặng kí Medal of Honor, từng phiên bản Call of Duty "đến rồi đi" trong danh vọng, thành công và cả tiền bạc. Tất cả dường như lên đến "đỉnh điểm" khi CoD: Modern Warfare làm nức lòng hàng triệu fan hâm mộ, giật hàng loạt giải thưởng trên thị trường trò chơi năm 2007.
Dưới sức ép quá lớn mà Infinity Ward để lại, Activision công bố Call of Duty: World at War trong mối hoài nghi sâu sắc phía cộng đồng game thủ, nhất là khi phiên bản này được nhào nặn dưới bàn tay Treyarch (từng sản xuất Call of Duty 3 trên Xbox 360/PS3 năm 2006). Người viết dưới cương vị một game thủ từng kinh qua mọi phiên bản trên PC của dòng sản phẩm này cũng không khỏi kém tin tưởng vào studio kém tên tuổi tới từ Hoa Kì, nhưng tất cả đã bị xóa nhòa chỉ sau vài phút trải nghiệm trong World at War. Cốt truyện của Call of Duty: World at War quay lại với thời kì Đệ nhị thế chiến và mang trong mình nét mới lạ khi khai thác chiến trường viễn đông, game thủ sẽ vào vai chàng binh nhì Miller cùng với quân đội Đồng Minh tả xung hữu đột với phát xít Nhật trong những ngày tháng hấp hối của phe Trục, nhất là khi Đức Quốc Xã không còn "thoi thóp" được bao lâu nữa. Thực chất bối cảnh Đông Á chỉ mới đối với series Call of Duty nói riêng, vì trước đó rất lâu người viết đã từng bắt gặp quân đội Nhật Hoàng trong Medal of Honor: Pacific Assault và Hidden and Dangerous 2 (2004).
Bên cạnh chiến trường viễn đông, game cũng không quên "khai thác lại" những ngày tháng hào hùng của "Đoàn quân Đỏ" khi đưa người chơi vào vai chiến sĩ Hồng quân Dimitri Petrenko với sứ mệnh cắm lá cờ búa liềm đại diện cho nước Nga vĩ đại trên nóc nhà Quốc hội Đức. Nói chung, ở cả hai chiến trường, ưu thế đều thuộc về phía game thủ, vì tại Châu Âu, Đức quốc xã đã quá yếu thế để có thể sử dụng các binh đoàn xe tăng cũng như không lực thiện chiến, còn quân đội Nhật Hoàng ở phương Đông cũng chẳng "khá khẩm" gì hơn với trang thiết bị chiến tranh cũ kĩ và lạc hậu hơn hẳn so với Đồng Minh. Điểm nhấn duy nhất đối với phe Trục là tinh thần sẵn sàng hi sinh cho chủng tộc "thượng đẳng" của mình. Giao diện của World at War từ logo cho tới menu lựa chọn vẫn giữ nguyên phong cách quen thuộc từng xuất hiện trong các phiên bản trước. Chỉ có một đổi mới khá thú vị, đó là các đoạn phim cắt cảnh xen lẫn phim tài liệu và những đoạn clip diễn tả cốt truyện theo phong cách graffiti. Có vẻ như phong cách mĩ thuật của giới trẻ hiện đại đang là đích ngắm của nhiều nhà sản xuất game năm 2008, vì người viết cũng bắt gặp nó trong một tựa game quen thuộc khác là … PES 2009. Không có nhiều thay đổi trong lối chơi mà Treyarch gửi gắm vào phiên bản lần này, nhưng đối với đa phần người hâm mộ, việc giữ nguyên gameplay như những người tiền nhiệm trước của Infinity Ward mới chính là điều mang lại thành công cho Call of Duty 5. Theo đó, nhịp game ban đầu khá chậm chạp, nhưng càng ngày càng nhanh dần. Game thủ càng chơi càng không thể "rảnh tay" tới một giây, vì hệ thống nhiệm vụ được liên kết tuyến tính và tràn ngập hơi thở dồn dập của chiến tranh. "Chậm hay là chết" - câu nói ấy đã trở thành kim chỉ nam đối với mọi phiên bản Call of Duty từ trước tới nay.
Tại chiến trường Nhật Bản, nhiệm vụ của người chơi bắt đầu sau khi được giải cứu bởi đồng đội trên đảo Makin, để rồi sau đó tiến sâu dần vào Peleliu và kết thúc sứ mệnh tại lâu đài Shuri, Okinawa. Những cuộc tấn công của quân đội Đồng Minh tại đây diễn ra không hề dễ dàng chút nào, cho dù họ có yểm trợ mạnh bằng cả pháo binh, hỏa tiễn lẫn không quân. Quân đội Nhật chủ yếu sử dụng loại súng trường lên đạn chậm và chỉ khai hỏa được một lần nên thua kém hẳn so với loại súng trường M1 Garand bắn liền năm viên trong một băng đạn. Tuy nhiên tiểu liên Type 100 của Nhật lại có tốc độ bắn cao và không hề thua kém so với M1A1 Thompson phía Đồng Minh. Vũ khí lợi hại nhất mà phát xít Nhật có được là quen thuộc với địa hình bùn lầy, rậm rạp trên các hòn đảo nhiệt đới. Đặc biệt, chúng thường ngụy trang cẩn thận và nằm rạp dưới các tán cỏ đợi người chơi tiến lại gần sẽ bất ngờ dùng lưỡi lê tấn công. Đòn đánh "Bandai" này có vẻ hơi "cổ điển" nhưng nhiều lúc sẽ khiến bạn trở tay không kịp. Ngoài ra quân Nhật còn có thể đào hố cá nhân dưới đất, hoặc leo lên ngọn cây để bắn xuống phía dưới. Nói chung, đội quân của Nhật hoàng rất lì, thường xuyên đánh đến cùng cho dù bị bao vây mọi mặt và không bao giờ chịu đầu hàng. Để "trị" các mẹo vặt của kẻ thù, phe Đồng Minh cũng được trang bị những giải pháp nhằm giảm thiểu sức tấn công của đối phương như hỗ trợ tối đa về không quân, cho phép người chơi dùng bộ đàm để định vị tọa độ cho hỏa tiễn tấn công. Đặc biệt là trong màn chơi thứ hai khi người viết đổ bộ lên đảo Leleliu, quân Nhật gần như bị đè bẹp nhanh chóng do bị pháo kích dữ dội bằng vũ khí này. Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới khẩu súng phun lửa đắc dụng trong Call of Duty: World at War, vì nhờ nó mà game thủ có thể tiêu diệt nhanh chóng cả một lô cốt, hoặc thiêu rụi những đồng cỏ rậm rạp, nơi ẩn náu an toàn của lực lượng cảm tử "Bandai".
Tại chiến trường Đông Âu, quang cảnh hoang tàn của Stalingrad một lần nữa quay trở lại trong màn chơi đầu tiên khi bạn vào vai anh lính binh nhì Petrenko được cứu thoát bởi người lính già giàu kinh nghiệm và sau đó nhận sứ mệnh ám sát tướng Amsel phía Đức Quốc Xã. Kịch bản trong màn chơi này không những rất giống với màn bắn tỉa trong Call of Duty 4: Modern Warfare, mà còn dựa theo kịch bản bộ phim nổi tiếng về đề tài Đệ nhị thế chiến là Enemy at the gate (2001). Trong phần lớn thời gian chơi còn lại, bạn sẽ cảm nhận được bước tiến thần tốc của Hồng quân trên mọi mặt trận để hướng về đầu não Berlin. Sức kháng cự của phe Đức là khá chậm chạp và lẻ tẻ, họ không còn sở hữu sức mạnh thiết giáp và không quân quen thuộc trong các phiên bản trước nên dễ dàng bị đè bẹp. Điểm nhấn dễ nhận ra nhất trong các màn chơi tại đây là tinh thần "tiêu diệt không bỏ sót" của chiến sĩ Liên Xô, thậm chí ngay cả khi đã cam chịu đầu hàng, binh lính Đức cũng không thoát khỏi cái chết. "Nếu chúng sống vì Đức quốc xã, chúng sẽ chết vì Đức quốc xã" - khẩu hiệu có phần hơi "cực đoan" được nhắc đi nhắc lại khi người viết tham gia vào chiến dịch giải phóng Berlin, thậm chí có lúc một người lính Nga đã phải thốt lên: "Đây không còn là chiến tranh nữa, mà là diệt chủng".
Màn chơi khó nhất và nhiều thử thách nhất là khi Hồng quân đánh chiếm tòa nhà Quốc hội Đức. Nếu trong Call of Duty 1 khu vực bên ngoài tòa nhà khá "quang đãng" và xe tăng Liên Xô áp tới từ mọi phía, thì mọi chuyện trở nên đối lập hẳn trong World at War khi phe Đức dồn số lượng quân lớn cộng với những hàng rào thép gai bao bọc kín lối vào, khiến game thủ gần như phải "nhích từng mét một". Phần đồ họa trong Call of Duty: World at War không có gì phải chê trách, vì được thừa hưởng sức mạnh từ engine của Call of Duty 4. Mô hình các loại súng đều được "tút" lại kĩ càng, hiệu ứng mặt nước cũng cực kì chân thực. Tuy nhiên, mô hình nhân vật lại khá "nhạt nhòa", các nếp nhăn trên quần áo không được rõ nét như trong Call of Duty 2. Chất lượng hình ảnh trong phiên bản lần này không vượt trội hơn hẳn so với Modern Warfare, nhưng lại đòi hỏi cấu hình phần cứng gần như gấp rưỡi người tiền nhiệm. Âm thanh là khía cạnh khiến game bị "chê" nhiều nhất. Theo đa phần game thủ thì tiếng súng quá nhẹ nhàng, không gây được cảm giác "đã tay" và dứt khoát, không phân biệt được giữa các loại súng khác nhau. Thực ra thì phần âm thanh cũng không đến nỗi nào, nhưng do mọi người đã quen với tiếng súng "hiện đại" trong Modern Warfare nên cảm thấy "lạc lõng" giữa những loại vũ khí cổ điển thập niên 40 của thế kỉ trước.
Ngoài phần chơi chính, Call of Duty: World at War còn có hai mục chơi phụ là bắn zombie (sau khi hoàn thành tất cả nhiệm vụ) và trực tuyến. Riêng phần chơi mạng đã được tung ra từ trước phiên bản chính thức khoảng vài tuần và theo nhận định chung, vẫn hấp dẫn không kém gì mục chơi mạng của người tiền nhiệm. Ngoài ra, game thủ còn có thể giao lưu với bạn bè thông qua giả lập mạng LAN. Trong khuôn khổ bài viết không thể đề cập hết được những nét nổi bật của Call of Duty: World at War, nhưng tóm lại, Treyarch đã không làm thất vọng những fan hâm mộ của dòng game này, và nếu bạn đang phân vân không biết nên "nghiền ngẫm" sản phẩm nào trong những ngày cận kề mùa đông sắp tới, thì còn chờ gì nữa mà không tậu ngay một bản về nhà?
Ưu điểm:
- Cốt truyện không mới nhưng hấp dẫn
- Chiến trường ác liệt, hoành tráng
- Lối chơi hành động kịch tính
- Đồ họa xuất sắc
- Phần chơi mạng tốt
Nhược điểm:
- AI của máy đôi lúc trục trặc
- Mô hình nhân vật chưa hoàn hảo
- Âm thanh chưa thể hiện hết tính ác liệt
Thông tin
- Phát hành: Activision
- Phát triển: Treyarch
- Hệ máy: PC, Xbox360, PS3, PS2, DS, Wii
- Ngày phát hành: 8/11/2008
Cấu hình tối thiểu:
- CPU: AMD 64 3200 trở lên / Intel Pentium 4 3.0GHz trở lên
- RAM: 512MB (XP) or 1GB (Vista)
- Dung lượng yêu cầu: 8GB HDD
- Card đồ họa: Nvidia 6600GT/ATI Radeon 1600XT hoặc cao hơn (hỗ trợShader 3.0 trở lên) với 256MB bộ nhớ
Trailer :
Link Download HerePass Download : www.gamehay.net *****************************************************
thank